Những vấn đề đặt ra đối việc chỉ đạo, quản lý trong hoạt động báo chí hiện nay

Thứ Năm, ngày 10 tháng 3 năm 2022 - 21:17 Đã xem: 7618

Trong thời gian qua, trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với phương châm nhất quán là chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát với tình hình thực tiễn và có trọng tâm, trọng điểm.

Ảnh minh họa (cand.vn)

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, truyền thông số, nền báo chí - truyền thông đã có bước chuyển mình và phát triển ngày càng mạnh mẽ qua từng thời kỳ. Các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy - vừa xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin tuyên truyền; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; vừa đổi mới toàn diện để bắt kịp các xu hướng của báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu của độc giả. Việc phát huy vai trò của các cơ quan chỉ đạo, quản lý đối với hoạt động báo chí ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trước những xu hướng và thách mới.

Xu hướng:

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông sẽ diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà báo chí trong thời kỳ mới phải là “bộ lọc” thông tin, giải đáp, hướng dẫn, phân tích, chỉ ra được bản chất của các hiện tượng, câu chuyện, vấn đề trong xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại.

Sự dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tốt chức, vận hành và quản lý hoạt động theo mô hình mới (đa nền tảng, tăng tính tương tác…) để có thể đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông ngày càng cao; xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình và cung cấp lên các hạ tầng truyền dẫn trên mạng internet qua các trang web, ứng dụng, mạng xã hội, hình thành xu thế “truyền thông đại chúng” với những thông tin đa chiều, khó định hướng.

Nguồn thu quảng cáo tiếp tục dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới. Các nền tảng xuyên biên giới nước ngoài đang có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới, nhưng vẫn là yếu tố ảnh hưởng, gây thiệt hại về kinh tế cho báo chí, truyền thông Việt Nam khi chưa chia sẻ thỏa đáng doanh thu từ khai thác các thông tin từ báo chí, cần tiếp tục đấu tranh, thương lượng để đạt được thỏa thuận về công cụ thực thi pháp luật, đảm bảo quyền lợi của báo chí Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng.

Thách thức:

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích người dùng diễn ra nhanh, đòi  hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phải có khả năng nắm bắt nhanh và dự báo sớm được tác động của xu thế này trong việc định hướng báo chí và truyền thông trên mạng. Các cơ quan báo chí cần nâng cao cảnh giác và thường xuyên kiểm soát các thông tin, bình luận khi tham gia, cập nhật thông tin lên mạng xã hội.

Chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động sau khi thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan báo chí, nhất là vấn đề xắp xếp tổ chức bộ máy và kinh tế báo chí. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của cơ quan báo chí nói riêng vẫn tiếp tục là nguy cơ lâu dài đòi hỏi cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tăng cường các giải pháp hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số, kiến nghị tăng kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu.

Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra nhanh, nhiều hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, nguy hiểm đòi hỏi công tác bảo vệ nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp cần phải được coi trọng và tăng cường, nhất là đối với các phóng viên, nhà báo cũng cần phải thường xuyên học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và đạo đức khi tác nghiệp.

Năm 2022, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống; tác động của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng, suy thoái về kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Những thách thức lớn đối với hội nhập toàn cầu, xây dựng kinh tế số, xã hội số và tăng trưởng xanh, bất bình đẳng, ngèo đói và các vấn đề an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ có tác động không nhỏ tới việc phục hồi kinh tế xã hội và đời sống của người dân.

Vai trò của các cơ quan chỉ đạo, quản lý đối với hoạt động báo chí trong thời gian tới:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; giữ vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, tạo đồng thuận xã hội.

Tăng cường chỉ đạo, định hướng, kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí với phương châm “chủ động thông tin tích cực”. Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời và sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các văn bản, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền đưa Nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống; công tác phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đổi mới công tác chỉ đạo việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đảm bảo có sự tham gia và phối hợp tích cực, chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan chức năng và báo chí; chỉ đạo, dịnh hướng hoạt động báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và hệ thống báo chí để rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện những vấn đề phát sinh, bất cập trong các quy định của Đảng và quy định của pháp luật, làm cơ sở đề xuất bổ sung, sửa đổi, nhất là đối với Luật Báo chí, trong đó chú trọng quản lý nội dung đi đôi với quản lý nền tảng, công nghệ, vừa tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, vừa phát triển các nội dung giải trí.

Chuyển mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội, trong ngành, đặc biệt là đối với các hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích và thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện thẩm quyền của mình đối với việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí, kể cả cơ quan báo chí trung ương.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; đổi mới, tăng cường các biện pháp hỗ trợ cơ quan báo chí phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.

Thường xuyên tổ chức giao ban, hội thảo, hội nghị chuyên đề với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí; chú trọng hỗ trợ kinh tế báo chí, an toàn an ninh thông tin, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, kiến thức về quản lý báo chí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tuyên giáo, Thông tin truyền thông, Hội Nhà báo các cấp trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; giáo dục, rèn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng, ý thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp./.

Nguyễn Thanh Thủy

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 115 | Trang: 1 trên tổng số 12 trang  
Xem tin theo ngày:   / /