Dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc ở Tuyên Quang trong giai đoạn hiện nay

Thứ Sáu, ngày 24 tháng 6 năm 2022 - 15:07 Đã xem: 1450

Với quy mô dân số trên 78 vạn người, Tuyên Quang có nhiều thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số (khoảng 43%), còn lại là các dân tộc thiểu số khác (khoảng 57%); các dân tộc sinh sống quần cư, xen kẽ, đoàn kết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vì mục tiêu chung xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển trong khu vực miền núi phía Bắc.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: baotuyenquang.com.vn

Nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết vấn đề dân tộc, Đảng ta đã ban hành các chủ trương, chính sách và thực hiện các giải pháp về công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội miền núi, bảo đảm sự toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là những chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Đến nay 100% số xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn, có các trường học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; 100% thôn bản có điện, trong đó 98,7% có điện lưới quốc gia; trên 92% thôn bản có nhà văn hóa; 100% thôn bản có đường giao thông đến trung tâm xã, trong đó 88% đã được kiên cố hóa. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên 96,5% có thẻ bảo hiểm y tế; trên 85% số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; tỷ lệ tham gia các lực lượng lao động đạt trên 84%; đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân có sự chuyển biến tích cực, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả.

Tuy nhiên so với mặt bằng chung của xã hội, thì đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn; trên 41% còn là hộ nghèo, cận nghèo; 36% số hộ nhà ở đơn sơ, thiếu kiên cố; 12,8% đồng bào dân tộc thiểu số trên 15 tuổi không biết chữ; tình trạng tảo hôn trên 20% (cao nhất là dân tộc Mông 51%, dân tộc dao 31%).

Để giải quyết những khó khăn chung cho hộ nghèo, tỉnh Tuyên Quang đã xác định mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên, phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ[2]; hoàn thành việc thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho 3.820  hộ nghèo (100% số hộ trong danh sách rà soát tháng 6/2021) và số phát sinh mới không quá 5%, trong đó trong đó làm nhà mới cho 2.861 hộ nghèo, sửa chữa nhà cho 959 hộ nghèo[3].

Trên tinh thần bình đẳng vì sự phát triển và tiến bộ chung, để giải quyết vấn đề dân tộc, cần thống nhất nhận thức rõ ràng rằng: đó là công việc của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó cán bộ, đảng viên giữ vai trò lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chính sách dân tộc có tính toàn diện, gắn việc thực hiện chính sách dân tộc với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân; tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất; nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, nhân tố tích cực trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và kỳ thị dân tộc; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Anh Nguyễn

 

[1] Nguồn tư liệu của bài viết: Lấy từ Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số năm 2019.

[2] Theo Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025.

[3] Theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2025.

Xem tin theo ngày:   / /